Salone Satellite, được tổ chức hàng năm là một phần của sự kiện Salone del Mobile của Tuần lễ Thiết kế Milan, là một triển lãm nổi tiếng giới thiệu các nhà thiết kế mới nổi với khán giả toàn cầu. Salone Satellite dành riêng cho việc quảng bá các nhà thiết kế dưới 35 tuổi và chủ đề của năm nay, “Thiết kế: DOVE VAI? “ hoặc “Thiết kế : BẠN ĐANG ĐI ĐÂU?” , đã thách thức những người tham gia phải giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc tạo ra những chiếc ghế, bàn, ánh sáng, vật liệu.
Sự kiện được thành lập vào năm 1998 bởi Marva Griffin, đã được các chuyên gia thiết kế, những người yêu thích thiết kế và những người đi trước thời đại, tiên phong những xu hướng mới rất mong đợi về các giải pháp về vật liệu và những thiết kế sáng tạo.
Sau khi triển lãm kết thúc, dưới đây là tổng hợp các dự án tốt nhất được trình bày tại Salon Satellite 2023 trong thời gian diễn ra Salone del Mobile 2023 với ba đội đã chiến thắng Giải thưởng Salone Satellite. Với các ý tưởng sáng tạo từ các thí nghiệm vật liệu dựa trên thực phẩm và chất thải đến các bề mặt in 3D ảo ảnh, triển lãm đã mang đến một cái nhìn thoáng qua về tương lai của thiết kế.
1. HONOKA
Xưởng thiết kế Honoka có trụ sở tại Tokyo đã mang đến Dự án Tatami ReFAB tại Salone Satellite 2023. Chiếu Tatami, được làm từ các loại cây có mùi thơm giúp điều chỉnh độ ẩm và khử mùi hôi, là một phần không thể thiếu trong không gian sống của người Nhật trong nhiều thế kỷ. Dự án Tatami Refab sử dụng công nghệ in 3D để đưa chiếu Tatami trở lại với cuộc sống hiện đại ngày nay. Đội thi đã tạo ra đồ nội thất thân thiện với môi trường bằng cách kết hợp chiếu Tatami tái chế với nhựa sinh học. Thông qua tác phẩm này, các nhà thiết kế mong muốn bảo tồn sức hấp dẫn của chiếu Tatami cho các thế hệ tương lai.
Honoka được công bố là người chiến thắng giải thưởng nhất của Salone Satellite.
2. STUDIO RYTE
Studio Ryte tại Hồng Kông đã tạo ra một món đồ nội thất sáng tạo mang tên Triplex Stool, như một giải pháp thiết thực cho những thách thức liên quan đến không gian sống mà những người sống ở khu vực có mật độ cao phải đối mặt. Thiết kế của chiếc ghế đẩu đã khiến nó trở thành một giải pháp làm giảm số lượng nội thất bị vứt bỏ đi trên thế giới. Điều tuyệt vời nhất là Triplex có thể tháo ra thành 3 mảnh riêng biệt và lắp lại dễ dàng bằng vít nên việc mang chiếc ghế đẩu đi khắp thế gian càng trở nên khả thi. Điều này đặc biệt hữu ích ở Hồng Kông, nơi mà không gian sống thường hạn chế.
Một trong những tính năng chính của Ghế đẩu Triplex là thiết kế bền vững. Nó được làm từ sợi lanh, một vật liệu có thể phân hủy, thân thiện với môi trường và có thể tái tạo. Sợi lanh có độ bền vượt trội có thể so sánh với sợi carbon, nhưng không có tác động tiêu cực đến môi trường hay liên quan đến quá trình sản xuất sợi carbon. Sợi lanh được lấy từ các loại cây phát triển nhanh và sau đó được liên kết với nhau bằng nhựa sinh học. Việc sử dụng các vật liệu như vậy không chỉ đem lại tính bền vững cho chiếc ghế mà nó còn có thể tự phân hủy hoàn toàn sau 3 đến 6 tháng, do đó giảm thiểu tác động đến môi trường.
Studio Ryte đã được trao giải nhì của Giải thưởng SaloneSatellite.
3. AHOKPE + CHATELIN
Hai nhà thiết kế tại Brussels, Ahokpe + Chatelin là những người sáng lập ra xưởng sản xuất và nghiên cứu dệt may đã mang đến chiếc võng ‘Ku do azò’. Tác phẩm được thiết kế và dệt thủ công ở Benin, Nigeria và được dành cho nội thất châu Âu. Loại vải này được tạo ra từ sợi dệt của những chiếc áo len được đưa đến thị trường châu Phi, toàn bộ hình dáng của nó là kết quả của việc thêu dệt các dải dệt hẹp qua khung cửi của Beninese. Thiết kế này vừa liên quan đến cơ thể của người dệt vừa liên quan đến cơ thể của người dùng.
Trong cuộc đối thoại giữa Belgium và Benin, Ahokpe + Chatelin đã thử nghiệm việc tạo ra đồ nội thất bằng vải dệt. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Thiết kế này đáp ứng nhu cầu về sự độc đáo, kỳ lạ nhưng cũng đem lại sự thoải mái của chúng tôi, đồng thời cũng để nhắc nhở chúng tôi về các ảnh hưởng của sự tiêu dùng. Mỗi mảnh đều đặc biệt trong sự kết hợp về màu sắc của nó”.
Ahokpe + Chatelin đã được trao giải ba cho giải thưởng SaloneSatellite.
4. FRAGMENTARIO
Fragmentario là một xưởng nghiên cứu thử nghiệm tại New York được thành lập bởi nhà thiết kế người Venezuela María-Elena Pombo. Studio dành riêng cho việc khám phá các phương pháp thử nghiệm đối với thiết kế và sử dụng các vật liệu, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra các giải pháp bền vững và có tác động tốt đến môi trường. Fragmentario đã trình bày dự án “Gạch hạt bơ” tại Salone del Mobile 2023.
Là một phần trong nghiên cứu vật liệu của mình, Pombo đã phát triển một phương pháp độc đáo sử dụng hạt bơ. Cô đã thu thập chúng từ những nhân viên tại nhà hàng địa phương, những hạt bơ này đáng lẽ ra đã bị vứt bỏ nhưng cô đã tái sử dụng chúng thành một loại vật liệu linh hoạt với nhiều ứng dụng, do đó giảm thiểu chất thải và đề xuất một giải pháp mới thay thế cho các vật liệu truyền thống.
Hạt bơ được biến đổi thành một loại thuốc nhuộm có thể được sử dụng để tạo màu cho vải, tạo ra một chất hữu cơ thay thế cho thuốc nhuộm tổng hợp. Pombo cho rằng hạt giống có thể được sử dụng để tạo ra gạch, nhựa, da, thủy tinh, điện, nhiên liệu cho xe cộ,…Sự ứng dụng đa dạng này đã làm nổi bật tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên theo những cách sáng tạo để giải quyết các thách thức của môi trường hiện tại.
Một trong những ứng dụng thú vị nhất của nghiên cứu do Pombo thực hiện là tạo ra những viên gạch làm từ hạt bơ và chất kết dính làm từ tảo Sargassum. Những nghiên cứu này không chỉ giúp sử dụng các vật liệu phế thải mà còn cung cấp một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho gạch truyền thống – loại gạch thường được làm từ các vật liệu gây ảnh hưởng đến môi trường. Fragmentario đã nhận được Giải thưởng Đặc biệt của sự kiện SaloneSatellite năm nay.
5. WEONRHEE
Nhà thiết kế đến từ Seoul, Weonrhee, đã hoàn thành bộ sưu tập ‘Cấu trúc nguyên thủy’, hoặc các món đồ nội thất có thể điều chỉnh được làm bằng gỗ tái chế, lấy cảm hứng từ cả các mẫu kiến trúc và phong cảnh Hàn Quốc. Mục tiêu của nhà thiết kế là có thể kéo dài tuổi thọ của các vật liệu xây dựng. Những chiếc bàn được thiết kế rất bền và đẹp mắt, gồm bốn mô-đun xếp chồng lên nhau giống như một ngôi chùa, với hai mô-đun lõi có kích thước khác nhau được đặt song song với nhau giống như mái hiên.
Nhà thiết kế giải thích rằng “khi bắt đầu nghiên cứu, tôi đã suy nghĩ về một chương trình nghị sự của thời đại và đi tìm chất liệu phù hợp để thể hiện nó, và dựa trên điều này, tôi luôn cố gắng tìm ra những điều mới mẻ thông qua việc nghiên cứu về bối cảnh văn hóa, lịch sử và xã hội nơi tôi lớn lên “.
Một trong những điều đáng chú ý nhất của dự án là việc sử dụng gỗ PSL, một loại gỗ kỹ thuật thường được sử dụng trong các khung xây dựng, được thiết kế cho phần đế và mặt bàn. Kết cấu thô của vật liệu này đã được đưa vào thiết kế lần này nhằm tôn vinh tính chất bền vững và các hoa văn trang trí nguyên thủy của nó, giúp chúng ta gợi nhớ đến các đường gân lá hoặc da hổ trên bề mặt.
Weonrhee đã nhận được Giải thưởng Đặc biệt trong Giải thưởng SaloneSatellite năm nay.
6. SEKISAI
Sekisai là một xưởng thiết kế Nhật Bản chuyên về in 3D, đã phát triển “Da Phantasmagotical”, một bề mặt động thay đổi màu sắc dựa trên từng góc nhìn khác nhau. Điều này đã tạo ra một trải nghiệm hình ảnh độc đáo chưa từng thấy trước đây, gợi lên cảm giác về nhịp sống sôi động, với màu sắc thay đổi liên tục giống như những loài hoa đua nở và các cánh bướm dập dờn.
Nhóm thiết kế hy vọng sẽ khuyến khích những trải nghiệm về sự tương tác giữa người xem và tác phẩm này, trong đó những hành vi của người xem sẽ tác động đến sự thay đổi của tác phẩm để thích ứng với cảm xúc của người dùng. Bằng cách này, những chuyển động đó sẽ được biến đổi từ thứ chỉ đơn giản là “được sử dụng” thành thứ được “tương tác”. Dự án nhằm mục đích tạo ra không gian thoải mái và màu sắc phù hợp với tâm trạng của người dùng, giúp các cá nhân khám phá sự phong phú về cảm xúc trong cuộc sống của họ.
Được giới thiệu tại SaloneSatellite, bộ sưu tập “Các đồ vật cùng thở” của Sekisai tập trung vào việc làm cho cuộc sống của con người trở nên phong phú hơn, kích thích các giác quan thông qua tương tác với đồ vật, đồng thời thúc đẩy sự phát triển trong cảm xúc và lối sống của họ, thay vì chỉ làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
7. JISUN KIM
Jisun Kim, nhà thiết kế và người sáng lập Studio Round tại Seoul, đã mang đến bộ sưu tập ánh sáng siêu phàm của cô mang tên “Blooming series”, tại SaloneSatellite 2023. Những tác phẩm tinh xảo này được làm từ những chiếc túi nhựa bỏ đi. Thông qua sự sáng tạo của mình, nhà thiết kế đã biến những chiếc túi nhựa thành một vật liệu hữu cơ, với kết cấu tự nhiên giúp chúng ta gợi nhớ đến những cánh hoa.
Kim đã sử dụng nhiệt để đúc túi nhựa thành các dạng hữu cơ, đây là một kỹ thuật mà cô ấy đã nghiên cứu và thử nghiệm trong một thời gian dài. Nhờ việc sử dụng kỹ thuật này, Kim đã tạo nên những phong cách thiết kế mới để làm nên những vật liệu đẹp và độc đáo này. Cách thiết kế của cô đã thách thức lối suy nghĩ thông thường bằng cách lấy một thứ có vẻ bình thường như nhựa tái chế và biến nó thành một thứ có vẻ đẹp tinh tế.
“Blooming series” của Kim chỉ là một phần trong những thiết kế lớn hơn của cô với nhựa tái chế. Mục tiêu của cô là khuyến khích người xem nhìn vật liệu theo một cách mới và truyền cảm hứng cho họ sự sáng tạo về cách họ có thể sử dụng vật liệu tái chế trong các tác phẩm của mình. Thông qua đó, Kim không chỉ tạo ra những đồ vật đẹp mắt mà còn nâng cao nhận thức của con người về tầm quan trọng của tính bền vững và nhu cầu tìm ra những giải pháp sáng tạo cho những thách thức về môi trường.
8. MINGYU XU STUDIO
Nhóm thiết kế Mingyu Xu Studio tại London đã ra mắt bộ sưu tập đèn chiếu sáng và đồ nội thất mới nhất của mình mang tên “Rừng song song” tại SaloneSatellite 2023. Bộ sưu tập là kết hợp giữa việc sử dụng đan tre, một kỹ thuật cổ xưa và truyền thống, trong thiết kế nội thất hiện đại. Studio hy vọng mang đến những giá trị truyền thống của nghề đan tre bằng cách mô phỏng lại chức năng và tính linh hoạt của vật liệu này trong những thiết kế đương đại. Bộ sưu tập giới thiệu một loạt các món đồ nội thất được thiết kế riêng nhằm làm nổi bật lên đặc tính tái tạo độc đáo của tre và tính thân thiện với môi trường, giúp tre trở thành một vật liệu bền vững để sản xuất đồ nội thất.
Mingyu Xu Studio đã thử nghiệm công việc đan tre để tạo ra một loạt các thiết kế nội thất sáng tạo, thể hiện vẻ đẹp và tiềm năng vốn có của vật liệu này. Bộ sưu tập giới thiệu tính linh hoạt của việc đan tre như một phương pháp sản xuất, mở ra những khả năng mới trong việc thiết kế đồ nội thất.
9. GWILEN
Nhà sản xuất gạch người Pháp tên Gwilen đã giới thiệu bộ sưu tập gạch hoàn toàn bằng khoáng chất tại SaloneSatellite 2023, bộ sưu tập này được tạo ra thông qua việc sử dụng trầm tích biển. Studio, được đặt theo tên Breton của Vilaine đã sử dụng quy trình khai thác các đặc tính vốn có của trầm tích biển để tạo ra vật liệu trong việc thiết kế nội thất và kiến trúc. Quá trình này tương tự như quá trình tạo đá, một quá trình tự nhiên biến trầm tích thành đá, tạo ra những hình dạng mong muốn mà không cần nung ở nhiệt độ cao.
Do đó, Gwilen đã góp phần giảm tác động đến môi trường của ngành xây dựng và giải quyết vấn đề quản lý trầm tích nạo vét cảng. Quy trình của họ tạo ra lượng khí thải CO2 thấp hơn đáng kể so với các phương pháp sản xuất gạch truyền thống, khiến nó trở thành một giải pháp sáng tạo mang đến những giá trị bền vững cho trầm tích biển. Vì phù sa là một vấn đề phổ biến, những tài nguyên này luôn có sẵn dọc theo bờ biển của Pháp và trên toàn thế giới.
10. ESTUDIO BRANZA
Alfonso Martinez Brianza, người sáng lập Estudio Branza tại Uruguay đã mang đến thiết bị chiếu sáng LOX của mình tại SaloneSatellite 2023. Công trình đầy sáng tạo này của nhà thiết kế đã nêu bật tầm quan trọng của việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự vận dụng sáng tạo trong việc khai thác những tiềm năng của chúng. Thiết bị chiếu sáng LOX là một ví dụ nổi bật, nó kết hợp các loại đá quý tái chế như ngọc thạch anh và thạch anh, để tạo ra những tác phẩm có tác động trực tiếp đến các tiêu chuẩn trong thiết kế thông thường.
Dòng sản phẩm LOX của Brianza mang tính thẩm mỹ đột phá, thu hút sự chú ý đến nhu cầu thiết kế bền vững. Việc kết hợp các vật liệu bị loại bỏ trước đây vào quy trình thiết kế đã mang lại những tác động đáng kể trong việc giảm chất thải và thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường. Bằng cách biến những viên đá này thành những đồ vật đẹp mắt và tiện dụng, Brianza đã chứng minh tiềm năng cho các giải pháp đầy sáng tạo này có thể đóng góp cho một tương lai bền vững hơn.
Nhìn chung, công việc của Brianza đóng vai trò là lời kêu gọi hành động đối với ngành thiết kế hãy xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với việc sử dụng vật liệu và tìm ra những cách sáng tạo mới trong việc thiết kế để giảm thiểu chất thải và thúc đẩy tính bền vững cho môi trường. Thông qua đèn LOX của mình, anh ấy đã nâng cao thành công giá trị của những vật liệu bỏ đi và tạo ra một thông điệp ý nghĩa của thiết kế này.
Biên tập: Thùy Giang | Nguồn: Designboom
XEM THÊM: