Hội thảo “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh” sẽ được Hội KTS Việt Nam tổ chức vào ngày 02/10/2021 tại Trụ sở Hội KTS Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội) kết hợp trực tuyến với các diễn giả quốc tế và Việt Nam trên nền tảng Zoom Meeting. Hội thảo nhằm cung cấp những góc nhìn, quan điểm từ các diễn giả khách mời là các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, các nhà phát triển công nghệ – vật liệu hoạt động trong lĩnh kiến trúc – xây dựng.
Nội dung Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề gắn với mục tiêu chung của Liên hiệp Hội KTS thế giới (UIA) nhằm đóng góp vào cuộc đối thoại toàn cầu về chương trình nghị sự phát triển năm 2030: Nhà ở, Không gian công cộng, Biến đổi khí hậu.
Thông tin diễn giả:
1. GS.KTS Salvador Pérez Arroyo
Chủ đề chia sẻ: “We need to work together for a better future”
GS. TS. KTS. Salvador Perez Arroyo – KTS nổi tiếng người Tây Ban Nha là một trong 10 KTS hàng đầu thế giới theo trường phái hậu hiện đại, giảng viên tại nhiều trường đại học kiến trúc nổi tiếng trên thế giới. Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài tiểu luận về kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại cùng hàng trăm công trình kiệt tác được cả thế giới công nhận và tán dương, trở thành biểu tượng của nhiều thành phố như Tháp Moncloa tại Madrid, Viện Bảo tàng khoa học Cuenca, Cung Văn hóa La Eria tại Oviedo…
Tại Việt Nam, KTS. Salvador Perez Arroyo cũng gặt hái được rất nhiều thành tựu với hàng loạt công trình tiêu biểu tại nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, An Giang,… Và một trong số đó, Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh đã được vinh danh “Công trình tiêu biểu của năm” do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bình chọn vào năm 2014…
2. PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng
Chủ đề chia sẻ: “Các xu hướng kiến tạo không gian công cộng trên thế giới và những phản chiếu với Việt Nam“
PGS.TS. KTS Phạm Thúy Loan đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn và xây dựng chính sách trong lĩnh vực Thiết kế và Quy hoạch đô thị. Từng theo học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ về Thiết kế Đô thị tại Đại học Tổng hợp Tokyo từ 1997 đến 2002; sau khi về nước, KTS Phạm Thuý Loan đã đảm nhiệm các vai trò như: giảng viên thuộc Khoa Kiến trúc Quy hoạch, trường ĐHXD (từ 2005 đến 2014), Trưởng bộ môn Quy hoạch (từ 2011 đến 2014), phó Viện Trưởng viện Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng (2008 – 2014) và Phó Viện trưởng viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng (từ 2014 đến hết 2020).
Hiện nay, KTS Phạm Thuý Loan vẫn đặc biệt quan tâm và có nhiều hoạt động chuyên môn về TKĐT và Phát triển bền vững.
3. Ths.KTS Nguyễn Thu Phong – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui
Chủ đề chia sẻ: “Kiến trúc sinh thái góp phần bảo vệ thiên nhiên”
Ths.KTS Nguyễn Thu Phong là một KTS trải qua nhiều cương vị: Giảng dạy tại trường đại học kiến trúc TP. HCM năm 1997, lãnh đạo doanh nghiệp kiến trúc xây dựng từ khởi nghiệp công ty riêng năm 2000, tham gia các hoạt động công tác xã hội tích cực tại Hội Kiến Trúc Sư TP. HCM, Hội KTS Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ TP. HCM từ những năm 2003 đến nay, đảm nhiệm nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo trong các Ban Chấp Hành. Đặc biệt ông gắn bó với phong trào KTS trẻ Việt Nam từ những ngày đầu năm 2006 đến nay. Trải qua 8 kỳ liên tiếp, ông đã cùng các cộng sự Ban điều hành xây dựng nên một giai đoạn trưởng thành và phát triển của cộng đồng KTS trẻ Việt Nam.
Về hoạt động chuyên môn, ông kinh qua các lĩnh vực đa dạng như Chuyên ngành Quy hoạch vùng trong nghiên cứu giảng dạy, lãnh đạo định hướng đưa công ty Nhà Vui tiên phong trong lĩnh vực Nhà ở tại Việt Nam. Ông đặc biệt am hiểu và nghiên cứu sâu lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc du lịch nghĩ dưỡng các giai đoạn phát triển tại Việt Nam từ 2004. Gần đây, từ 2017, ông đã sáng lập thử nghiệm và đưa vào các thiết kế công trình kiến trúc sinh thái bảo vệ thiên nhiên mang tên gọi Hero House gắn liền với các hoạt động giáo dục môi trường tại các Vườn Quốc Gia Việt Nam.
4. TS.KTS. Phạm Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Chủ đề chia sẻ: “Kiến trúc Cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu – Những bài học cho Việt Nam”
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội (từ 2/2018); Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan (từ 3/2020); Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam (từ 1/2021). Phần lớn công việc của TS. Phạm Anh Tuấn tập trung vào kiến trúc cảnh quan và quy hoạch đô thị ở Việt Nam; đặc biệt quan tâm tới các chiến lược về đô thị cảnh quan gắn với cây xanh và mặt nước. TS. Phạm Anh Tuấn từng là giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (từ 7/2006 đến 1/2018). TS. Phạm Anh Tuấn nhận bằng kiến trúc chuyên nghiệp đầu tiên (2001), thạc sĩ (2005) tại Đại học Kiến trúc Hà Nội và theo học chương trình Tiến sĩ Kỹ thuật (Chuyên ngành đô thị cảnh quan) tại Đại học tổng hợp KU Leuven, thành phố Leuven, Vương Quốc Bỉ (3/2009 đến 4/2013). Trước khi theo con đường học thuật, TS. Phạm Anh Tuấn là Phó Giám đốc phụ trách (từ 2004) tại Xí nghiệp thiết kế Kiến trúc, Công ty Tư vấn Thiết kế và Xây dựng công trình Hàng không – ADCC, Tổng công ty bay dịch vụ, Quân Chủng Phòng Không-Không Quân, Bộ Quốc Phòng (từ 2001 đến 2006).
5. Ths.KTS Sơn Đặng – Văn phòng thiết kế Sproject
Chủ đề chia sẻ: “Covid 19 và các tác động đến đô thị toàn cầu”
KTS Sơn Đặng tốt nghiệp Thạc sĩ Kiến trúc Đại học Cornell. Anh đã làm việc trong vai trò chủ trì các đồ án quốc tế tại những công ty kiến trúc lớn trên thế giới như OMA – New York, Carlos Zapata Studio – New York, Venturi, Scott Brown & Associates – Philadelphia và Arata Isozaki & Associates – Tokyo. Hiện tại, anh đang làm việc tại Việt Nam, là nhà sáng lập studio Sproject, khởi đầu chuỗi các dự án kiến trúc và quy hoạch với tinh thần của thế kỷ 21 và tầm nhìn toàn cầu.
6. KTS. Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, KTS Trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2
Chủ đề chia sẻ: “Làng mới”
KTS Hoàng Thúc Hào tốt nghiệp Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, sau đó hoàn thành Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Turin năm 2002. Hoàng Thúc Hào là giảng viên Khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Chủ tịch Chi hội KTS trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông cũng là thành viên điều hành của Hội KTS Việt Nam và Hội đồng Kiến trúc Xanh tại Việt Nam. Năm 2003, Hoàng Thúc Hào thành lập 1 + 1> 2, là văn phòng kiến trúc tập trung hỗ trợ các cộng đồng yếu thế, bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, xác lập bản sắc kiến trúc cho các đô thị hiện đại. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.
Hoàng Thúc Hào là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng SIA-GETZ cho KTS nổi bật Châu Á; KTS Việt Nam đầu tiên được trao giải VASSILIS SGOUTAS PRIZE 2017 – giải thưởng danh giá của Hội KTS Quốc tế UIA. Trong hơn 30 năm hành nghề kiến trúc, KTS Hào đã đạt được 47 giải thưởng quốc tế và hơn 50 giải thưởng, bằng khen trong nước. Với triết lý “kiến trúc hạnh phúc”, ông đã chỉ ra khả năng của kiến trúc không chỉ đơn thuần bao gồm thiết kế, kiến tạo không gian mà còn tạo ra hạnh phúc.
7. Ths.KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành, KTS chủ trì MIA Design Studio
Chủ đề chia sẻ: “Nhà ở đơn lập thích ứng với dịch Covid-19”
Ths.KTS Nguyễn Hoàng Mạnh tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 1997, tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc tại trường KU Leuven vương quốc Bỉ năm 2001. Anh là sáng lập công ty MIA Design Studio năm 2003 và là KTS chủ trì qua các dự án chuyên về nghỉ dưỡng và nhà ở, bên cạnh đó anh đã tham gia rất nhiều hoạt động trong và ngoài nước với tư cách diễn giả, thỉnh giảng để truyền cảm hứng cho KTS, sinh viên và các cộng đồng liên quan đến kiến trúc tại: Malaysia, Thái Lan, Úc, Bỉ, Peru, Ấn Độ, Indonesia…
Anh luôn quan niệm và lấy tiêu chí kiến trúc ứng dụng nhiệt đới đương đại mang bản sắc thích ứng với con người và văn hoá Việt Nam. Triết lý lấy con người làm trung tâm trong không gian sống, kiến trúc của anh xử lý đối thoại mạnh với nơi chốn, tương tác mạnh với điều kiện của từng dự án liên quan đến: vùng miền, văn hoá, khí hậu qua một lăng kính kiến trúc không gian đương đại xoá ranh giới giữa trong và ngoài công trình, mang lại giá trị tinh thần tốt hơn cho con người qua các không gian đầy ánh sáng tự nhiên, cây xanh, mặt nước, thông gió tự nhiên trong công trình. Anh làm một trong nhiều các KTS Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể được trong nước và thế giới ghi nhận qua các giải thưởng kiến trúc của MIA Design Studio từ năm 2014 đến nay.
8. Ông Katsuaki Uchidate, Tổng Giám đốc Khối thương mại, Lixil Việt Nam
Chủ đề chia sẻ: “Business and operation goes hand in hand with environmental protection – LIXIL’s global approaches”
Được biết đến với hiểu biết sâu sắc và nhạy bén với các danh mục đầu tư đa dạng trong cả Công nghệ Nước (LWT) và Công nghệ Nhà ở của LIXIL (LHT), ông đã dẫn đầu hoạt động kinh doanh trên khắp các thị trường chính ở Đông Á bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Là người đứng đầu trong các hoạt động kinh doanh, triết lý và văn hóa công ty của LIXIL, Katsuaki là một nhà lãnh đạo năng động, đã thúc đẩy hoạt động trên khắp các thị trường với hiểu biết sâu sắc về kinh doanh, người tiêu dùng và sản phẩm.
9. Ông Adachi Satoshi, Giám đốc Ngành hàng Điều hoà thương mại Panasonic Air – Conditioning Việt Nam
Chủ đề chia sẻ: “Quality air solutions for Home and Commercial”
Panasonic Air-Conditioning Việt Nam, trực thuộc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam được thành lập vào tháng 10 năm 2019. Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về chất lượng không khí, mục tiêu của Panasonic Air-Conditioning hướng tới cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và tiện nghi cho người dân Việt Nam thông qua những sản phẩm và giải pháp về chất lượng không khí trong nhà tiên tiến.
Thông tin Hội thảo:
- Tên chủ đề: “Kiến trúc với môi trường sạch và ứng phó dịch bệnh”.
- Đơn vị tổ chức: Hội Kiến trúc sư Việt Nam
- Thời gian: Từ 08h00 – 12h00 ngày thứ Bảy 02/10/2021.
- Địa điểm: Trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội), kết hợp webinar trực tuyến trên nền tảng Zoom.
- Nội dung trình bày xoay quanh 3 nhóm chủ dề chính: Nhà ở, không gian công cộng, khí hậu.
- Link đăng ký tham dự: http://hkts.vn/reg021021
* Đặc biệt: Nội dung chuyên môn tại hoạt động này được Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa vào chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD), nhằm cung cấp những kiến thức, tặng điểm CPD cho các KTS tham dự có nhu cầu tích lũy điểm CPD đăng ký theo hướng dãn. Số điểm tích lũy dự kiến đạt 1.7 điểm CPD.
XEM THÊM: