Sau khi chứng kiến cảnh cháy rừng trên đường đi đến Bồ Đào Nha, NTK Noé Duchaufour-Lawrance đã suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, khi những phế phẩm công nghiệp cũng có vẻ đẹp riêng của nó nếu ta biết cách tái sử dụng.
NTK người Pháp Noé Duchaufour-Lawrance đã sử dụng phế phẩm trong quá trình sản xuất nút chai rượu (nguyên liệu là vỏ cây sồi) để tạo ra BST nội thất lần này. Nguyên liệu này cũng được sử dụng như vật liệu cách nhiệt trong các tòa nhà. Trước đó, phần nguyên liệu bị cháy từ quá trình sản xuất nút chai rượu chỉ là sản phẩm phế thải công nghiệp.
Ý tưởng ban đầu về BST đã được nảy lên khi ông lần đầu tiên chuyển đến Bồ Đào Nha vào mùa hè năm 2017. Ông đã lái xe một mình trong 3 ngày, trên đường đi ông gặp phải đám cháy rừng kinh hoàng trên những ngọn đồi ở Pedrógão Grande. NTK Duchaufour-Lawrance cho biết: “Thật là một cú sốc khi nhìn thấy cảnh tượng đó, mọi thứ bị thiêu rụi, để lại sau đó sự hoang tàn. Nhưng ở khía cạnh khác, lửa cũng có vẻ đẹp của nó, lửa là 1 trong 5 yếu tố quan trọng đối với sự sống trên trái đất, cũng là nền tảng cho sự phát triển văn hoá. Trải nghiệm này đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, đặt ra câu hỏi về sự tương tác giữa con người và thiên nhiên, với tư cách là một NTK và là một người tiêu dùng. Với tất cả điều đó, tôi muốn nó được tái hiện trong BST của tôi”.
Giai đoạn tiếp theo là vào tháng 10/2018, trong chuyến thăm NF Cork, một cơ sở sản xuất nút chai quy mô nhỏ ở Faro, Bồ Đào Nha, được tổ chức bởi Made in Situ – Dự án về việc tôn vinh và quảng bá các sản phẩm của làng nghề truyền thống giữa các nước và nghiên cứu mối quan hệ của sản phẩm với thiên nhiên, con người.
Quy trình sản xuất bao gồm việc biến vỏ cây sồi thành những khối đặc và tạo ra rất nhiều phế phẩm từ phần vỏ bị cháy. Nút chai rượu làm từ vỏ cây sồi bần là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Bồ Đào Nha. Trong các vụ cháy rừng, lớp vỏ ngoài cùng đóng vai trò bảo vệ cây và những người sản xuất cần phải bóc lớp vỏ ra để thúc đẩy sự phát triển mới của cây.
Duchaufour-Lawrance đã nhìn thấy cơ hội tạo ra các tác phẩm được sinh ra từ lửa. Ông đã thử nghiệm các cách kết hợp nút chai bị cháy vào kỹ thuật truyền thống của NF Cork. Quy trình truyền thống bao gồm việc trộn và kết dính các hạt phế phẩm trong khuôn, nung trong 16 giờ và sau đó sấy khô trong 6 tuần.
NTK Duchaufour-Lawrance đã kết hợp các mảnh vụn với kích thước khác nhau, mục tiêu là đạt được hiệu ứng chuyển từ phần mịn sang phần thô – nơi vỏ cây bị cháy chiếm ưu thế. Trong BST Burnt Cork, phần chân đế của bàn, ghế được làm cao và đặc hơn, làm nổi bật phần phế phẩm bị cháy bên trong. Mặt ghế và lưng ghế vẫn có độ cong và mịn, đảm bảo sự thoải mái khi sử dụng
NTK chia sẻ: “Tôi muốn người dùng có sự kết nối trực tiếp với vật liệu làm nên đồ nội thất. Do đó, có sự chuyển đổi từ phần thô (phần đế) sang phần mịn (trên mặt ghế, lưng ghế), tượng trưng cho lịch sử và quá trình hình thành của chính vật liệu này”.
Công ty Bồ Đào Nha Granorte đảm nhận phần gia công sản phẩm, họ sử dụng máy CNC 7 trục có khả năng tạo hình các khối 3D. Điều này làm cho BST Burnt Cork trở thành sản phẩm kết hợp của cả quy trình thủ công và hiện đại. BST bao gồm ghế ăn, ghế nằm nghỉ ngơi, ghế dài chaise longue, bàn ăn, bàn cafe và ghế đẩu
NTK Duchaufour-Lawrance đánh giá rất cao những đặc tính tuyệt đẹp của nút chai. Nó nổi, không thấm nước, đàn hồi và chống cháy tốt. Mỗi rừng sồi bần không hẳn là một hệ sinh thái tự nhiên vì cần có bàn tay của con người, nhưng các thành phần trong đó phát triển rất bền vững. Burnt Cork đại diện cho sự tôn vinh đối với ngành sản xuất nút chai của Bồ Đào Nha.
Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Dezeen
XEM THÊM: