Xuất phát từ quan điểm “sáng tạo sẽ khởi sinh từ tĩnh lặng và thuần khiết”, văn phòng Brutalist Silence đã lược bỏ hết các yếu tố không cần thiết trong không gian làm việc để mang lại cảm giác như đang đối diện với chính con người mình.
Văn phòng có tên gọi Brutalist Silence (tạm dịch: Sự tĩnh lặng thô mộc), nằm bên cạnh dòng sông Spree, Berlin. Việc sử dụng bê tông trần và chỉ bố trí những đồ nội thất thực sự cần thiết, đã mang đến cảm giác trần trụi, tĩnh lặng khi bước vào không gian.
NTK nội thất Kutucu đã lựa chọn phương án “giản lược” việc sử dụng màu sắc và vật liệu. “Tôi tin rằng sáng tạo sẽ khởi sinh từ tĩnh lặng và thuần khiết, tạo ra một không gian tối giản, trần trụi và vẫn đề cao tính thẩm mỹ”, Kutucu chia sẻ.
Văn phòng Brutalist Silence được bố trí hành lang giữa với các bức tường bê tông được để lộ ra, bao gồm cả những vết chắp vá, vết sơn nhỏ li ti sau quá trình xây dựng. Những khuyết điểm trên bề mặt bê tông cũng có vẻ đẹp riêng của nó; như wabi-sabi, một thế giới quan của văn hóa Nhật Bản với triết lý chấp nhận tính bất toàn, phù du. Thẩm mỹ này đôi khi được mô tả như một vẻ đẹp “không hoàn hảo, vô thường và không đầy đủ”. Sử dụng bê tông trần cũng liên quan đến tính vật chất và tính nguyên khối của chủ nghĩa thô mộc, một phong cách kiến trúc gây tranh cãi xuất hiện vào những năm 1950. Các chi tiết nội thất khác như bàn, ghế, tủ thì được làm từ gỗ sồi hun khói.
NTK Kutucu cũng tìm kiếm những món đồ cổ yêu thích của mình ở Berlin để làm yếu tố trang trí cho văn phòng, bao gồm gốm sứ màu đất và đèn cây mảnh mai. Ngoài ra còn có một vài chiếc ghế Lotus từ những năm 1960 của NTK Daniel Wenger với đặc điểm có phần lưng tựa hẹp, bọc da và bề mặt ghế rộng nhằm mô phỏng hình dáng của một người đang ngồi thiền (lotus) trong yoga.
Nguồn: Dezeen
Xem thêm: